'Bê Tông Hóa Vỉa Hè': Lợi Ít - Hại Nhiều - Hạ tầng xanh - Green infrastructure

Hạ tầng xanh - Green infrastructure

Diễn đàn thông tin các giải pháp hạ tầng xanh nhằm phát triển đô thị bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu


Friday, 8 March 2019

'Bê Tông Hóa Vỉa Hè': Lợi Ít - Hại Nhiều

Trong xây dựng, hạng mục “dễ làm nhất” và cũng có lẽ “dễ ăn nhất”, đó là lát vỉa hè. Bởi vỉa hè chịu cả “lực tĩnh” lẫn “lực động” không đáng kể!  Các thành phố trên thế giới, nhất là các khu phố cổ, vỉa hè tồn tại hàng trăm năm, hoặc lâu hơn nữa… Và chúng đã trở thành “chứng nhân của lịch sử” cho những thành phố này.

Gạch lát vỉa hè trên một con phố ở Barcelona, Tây Ban Nha
 Nhiều kiến trúc sư ví “vỉa hè là hồn phố”, có lẽ vì vậy mà nhiều người dân thành phố cảm thấy xót xa khi hàng loạt “bó vỉa hè bằng những thanh đá xanh nguyên khối, rất đẹp và chắc chắn” có tuổi gần với tuổi thành phố, bị bóc lên đưa đi đâu không biết, để thay bằng bê tông mà chất lượng chỉ một vài năm sau lại phải thay tiếp… 
Kiểm lại những loại vật liệu đã làm vỉa hè ở ta: đá chẻ, vữa xi măng-sỏi, gạch con sâu… và giờ là gạch terrazo, loại nào cũng tốt. 
Ưu điểm của 3 loại vật liệu làm vỉa hè trên là: tăng tính ma sát, đảm bảo an toàn cho người đi bộ, tạo điều kiện cho một phần nước mưa thẩm thấu xuống lòng đất, tăng mực nước ngầm, giảm tải cho hệ thống thoát nước đô thị. 
 
Một số mẫu gạch terrazzo
 Gạch terrazo đang được đồng loạt thay cho các loại vật liệu khác trong việc lát vỉa hè. Đây là loại gạch khá đẹp, dễ lát, khá chắc chắc (nếu không ăn bớt xi măng), song băn khoăn của nhiều người là “toàn bộ vỉa hè sẽ bị bê tông hóa”, nước không thẩm thấu được vào lòng đất, mực nước ngầm thành phố sẽ giảm làm cho cây xanh chậm phát triển, gây nhiều hậu quả xấu (nước mặn thâm nhập, sụt, lún đất…) rất khó xử lý. 
Toàn bộ nước mưa sẽ đổ dồn xuống cống, gây quá tải cho hệ thống thoát nước, ngập lụt cục bộ sẽ khó tránh khỏi! Các nhà quản lý thành phố yêu cầu phải làm sao cho “nước mưa chui vào lòng đất” càng nhiều càng tốt, có nghĩa là phải có nhiều hồ điều tiết, hạn chế tối đa việc “bê tông hóa thành phố”, tìm cách sử dụng “công nghệ bê tông rổng” ở những nơi có điều kiện. 
Vậy ta có nên sử dụng đại trà gạch terrazo để chỉnh trang toàn bộ vỉa hè? Hơn nữa, giá thành sử dụng loại gạch này cũng không phải là rẻ! Chỉnh trang 36 tuyến vỉa hè chính của quận 1, TPHCM ước tính tốn khoảng 100 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, trong khi còn biết bao nhiêu việc cấp bách hơn cần phải làm. 
 Suy nghĩ và đề xuất của người viết bài này là:
- Cần có cuộc tọa đàm giữa các nhà quản lý và các nhà khoa học, phân tích rõ lợi, hại trong việc sử dụng gạch terrazo thay thế các loại vật liệu khác (nhất là gạch con sâu) để chỉnh trang vỉa hè. 
- Những nơi vỉa hè còn tốt không cần bóc bỏ, chỉ cần sửa chữa, thay thế… sẽ ít tốn kém cả ngân sách Nhà nước lẫn sự đóng góp của dân. 
- Tất cả các tuyến vỉa hè đều “giống nhau chưa hẳn là đẹp”, nếu tạo được sắc thái riêng chắc chắn chẳng ai chê trách. 
- Vấn đề quan trọng nhất là chất lượng của các loại gạch, một số nơi mấy năm trước đây lát gạch terrazo nay cũng đã bị xuống cấp, phải thay thế. Còn gạch con sâu sử dụng lâu hơn, vậy mà có những nơi còn rất tốt! Rõ ràng là chất lượng quyết định chứ không phải là do loại gạch gì! 
- Phải tổ chức thi công sao cho gọn gàng nhất, nhanh nhất (tất nhiên phải đảm bảo chất lượng) có thể khoán làm 2 – 3 ca để cho dân đỡ khổ, nhất là ở những nơi buôn bán. 
- Cần có quy chế quản lý và sử dụng vỉa hè, ngắn gọn, giao đến từng hộ dân thực hiện, “vỉa hè phải có chủ” tự bảo dưỡng, sửa chữa… trường hợp hư hỏng nặng mới báo cho cơ quan quản lý Nhà nước. 
KS. Phan Phùng Sanh (Hội KHKT Xây dựng TPHCM)

No comments:

Post a Comment