Ngày 18/8, tại Quảng Nam diễn ra Hội thảo “Xây dựng đô thị thông minh gắn với bảo vệ môi trường” Hội thảo là một trong những hoạt động chính trong khuôn khổ sự kiện “Những ngày văn hoá Nhật Bản tại Quảng Nam và Giao lưu văn hoá Hội An - Nhật Bản” diễn ra từ ngày 17/8-19/8.
Hội thảo "Xây dựng đô thị thông minh gắn với bảo vệ môi trường" vừa diễn ra tại Hội An, Quảng Nam trong ngày 18/8
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Phạm Hồng Quảng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Nam nhấn mạnh: Hiện nay, các đô thị trên thế giới đang hướng đến phát triển bền vững. Do đó, phát triển đô thị xanh – đô thị thông minh sẽ là xu hướng chung và trở thành mối quan tâm đặc biệt của các quốc gia.
Tại Việt Nam, nhiều thành phố lớn ở Việt Nam như TPHCM, Đà Nẵng đã sớm có đề án xây dựng thành phố thông minh, trong đó, chú trọng tiêu chí giải quyết các vấn đề “nóng” về môi trường trong quá trình phát triển đô thị.
Đây cũng là vấn đề được chính quyền tỉnh Quảng Nam quan tâm từ rất sớm với quan điểm “phát triển đô thị thông minh là xu thế tất yếu với mục tiêu là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông và các phương tiện khác có liên quan”. Và TP Tam Kỳ được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho phép nghiên cứu triển khai xây dựng thí điểm đô thị thông minh tại Quảng Nam.
Hội thảo lần này là một dịp để lãnh đạo chính quyền và các sở, ngành chức năng của tỉnh muốn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu... góp phần định hướng kế hoạch xây dựng và phát triển mô hình đô thị thông minh theo hướng sinh thái, môi trường xanh, tiết kiệm năng lượng phù hợp nhất tại thành phố Tam Kỳ - tỉnh Quảng Nam.
Theo đó, Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm thảo luận từ các chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị xanh - đô thị thông minh ở Nhật Bản cùng đại diện chính quyền và các cơ quan chức năng quản lý lĩnh vực liên quan tại Quảng Nam và các địa phương lân cận.
Đa số các ý kiến đóng góp đều có điểm chung ở quan điểm cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân địa phương để xây dựng đô thị xanh - đô thị.
Đa số ý kiến chuyên gia cho rằng cần có một khung pháp lý và sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong xây dựng đô thị xanh - đô thị thông minh
Ông Tomoaki Tosuka - Phó Giám đốc nghiên cứu Quỹ FMMC chia sẻ, tại Nhật Bản, chính quyền trung ương là đưa ra những chính sách chung để chính quyền địa phương lên kế hoạch xây dựng thành phố thông minh phù hợp với bối cảnh của từng chính quyền địa phương, tuỳ vào năng lực của địa phương, với sự hỗ trợ về mặt tài chính và nhân sự từ chính quyền trung ương.
Ông Tomoaki Tosuka cũng đưa ra mô hình thành phố thông minh gắn với nâng cao năng lực quản trị năng lượng, bảo vệ môi trường tại hai thành phố của Nhật là Fujisawa và TP Takamatsu.
Trong đó, tại Fujisawa, trong cộng đồng có nhiều nguồn điện từ pin năng lượng mặt trời chứa trong nhữn bình acqui lớn . Mỗi nhà có một hệ thống kiểm soát hệ thống nguồn điện riêng, hiển thị thông số điện năng tiêu thụ trong từng nhà.
Tại Takamatsu, có dịch vụ công kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp với chính quyền thành phố trong mục tiêu chung xây dựng đô thị xanh - đô thị thông minh.
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, ông Trần Quốc Thái - Phó Cục trưởng cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cũng nhấn mạnh tăng trưởng xanh là chìa khoá để phát triển bền vững. Cần loại bỏ lối mòn phát triển đô thị trước rồi mới làm sạch sau. Đồng thời, bên cạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cần nghiên cứu các giải pháp khác trong xây dựng và phát triển thị xanh.
Đại diện Cục phát triển đô thị cũng chia sẻ về việc xây dựng cơ sở pháp lý phát triển đô thị thông minh với các bước: Rà soát, xây dựng khung pháp lý chung; Xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia; xây dựng và triển khai thí điểm áp dụng khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh, xây dựng hệ thống hạ tầng dữ liệu không gian đô thị...
Ông Trần Quốc Thái cũng lưu ý một thực tế là nhiều thành phố đầu tư xây dựng hệ thống dữ liệu chung ban đầu rất tốt, và cũng cho thấy hiệu quả rõ ràng. Nhưng về sau, lại thiếu nguồn đầu tư duy trì, cập nhật, phát triển hệ thống dữ liệu, dẫn đến dữ liệu chung ban đầu bị lạc hậu.
Khánh Hiền: dantri.com.vn
No comments:
Post a Comment