Thách thức từ khu vực ven đô Hà Nội
Trong hai thập kỷ qua, vùng ven đô Hà Nội mở rộng nhanh chóng. Theo Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia, khu vực nội thành từ năm 1995 đến năm 2016 đã tăng dân số từ 1,28 triệu dân lên 3,93 triệu. Tăng trưởng dân số khu vực nội thành hơn 10%/năm trong 20 năm qua đã làm vùng ven đô Hà Nội biến đổi mạnh cề cấu trúc kinh tế - xã hội và không gian lãnh thổ.
ThS.KTS Đàm Quang Tuấn, Viện nghiên cứu Quy hoạch & Phát triển Đô thị nhận định khu vực ven đô là một không gian đặc biệt trong không gian ngoại thành, nơi diễn ra tốc độ đô thị hóa cao trong quá trình phát triển đô thị, có gắn kết mật thiết với khu vực nội thị và cùng với nó hình thành khu vực đô thị trung tâm trong tương lai gần.
Về mặt khái niệm chưa có một thống nhất mang tính pháp lý định nghĩa khu vực ven đô ở Việt Nam. Nhưng rõ ràng chức năng của nó bao hàm một số chức năng của khu vực ngoại thành, tùy thuộc vào thực tại và sự phát triển của thành phố mà xác định cụ thể các chức năng của nó.
                                   Vùng ven đô Hà Nội có tốc độ đô thị hóa chóng mặt.
Còn bà Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia đánh giá tác động từ đô thị hoá đến vùng ven đô Hà Nội có các xu hướng mở rộng không gian đô thị nhanh chóng, đa dạng, chắp vá và thay đổi hệ sinh thái.
Khả năng đô thị hoá vùng ven đô Hà Nội khá nhanh, do mật độ dân cư ở các huyện ngoại thành rất cao trong khi diện tích đất canh tác quá nhỏ bé cho lao động thuần nông.
Đô thị hoá ven đô Hà Nội khá đa dạng về quy mô và chức năng dự án bất động sản. Điều tra khảo sát hiện trạng 744 dự án trong các đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chung huyện Hà Nội cho thấy có đủ các loại hình dự án, từ khu đô thị, khu phực hợp nghiên cứu – đào tạo, khu sản xuất, đến dự án các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế.
Tuy nhiên đô thị hoá vùng ven đô Hà Nội đang manh mún, chắp vá và không đồng bộ, nhất là đối với những nước đang phát triển như Việt Nam. Nguyên nhân dễ dàng nhận thấy là quá trình thực hiện hàng trăm dự án với nhiều loại khác nhau về quy mô, chức năng, quản lý, sử dụng nguồn vốn.
Đặc biệt, đô thị hoá vùng ven đô làm thay đổi hệ sinh thái. Số lượng dự án triển khai quá lớn và nhanh chóng đã vượt quá khả năng quản lý của chính quyền cấp huyện.
Hệ thống pháp lý không đủ điều kiện để kiểm soát dự án đầu tư ở vùng ven đô nên hệ quả của sự chắp vá và manh mún của các dự án được biểu hiện ở cảnh quan không gian lộn xộn.
Đòi hỏi phát triển hạ tầng xanh
Những năm gần đây, tác động của đô thị hóa, thách thức của biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến chất lượng cuộc sống người dân và phát triển bền vững của đô thị. Những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng như mức độ ngập của đô thị ngày càng nhiều, tình trạng khô hạn xảy ra ảnh hưởng đến môi trường sống người dân…
PGS.TS. Phạm Hùng Cường, Trường Đại học Xây dựng khẳng định không gian nông thôn ngoại thành và đô thị có sự ràng buộc trên góc độ sinh thái tự nhiên. Đô thị càng phát triển thì bản thân nó càng khó tự cân bằng và đảm bảo được yếu tố môi trường, tự nhiên, khí hậu. Đặc biệt là tính bền vững môi trường trước những biến đổi khí hậu khó lường.
Ví dụ như việc vỡ đê sông Bùi ở Quốc Oai, Hà Nội tháng 10/2017 vừa qua, nằm trong dự kiến "vỡ đê theo kế hoạch", hạn chế sự tác động của lũ lụt tới diện rộng hơn đã minh chứng cho vai trò của khu vực vùng ven đối với đô thị trong việc giảm thiểu các tác động của thảm họa tự nhiên. 
Ông cũng cho rằng quan hệ không gian sinh thái này hiện chưa sẵn sàng phát huy được vai trò tích cực của nó mà cần phải có các chính sách phát triển, điều tiết rõ rệt.  Người làm quy hoạch đang dễ dãi bôi màu xanh vào đất nông nghiệp và coi như đã có đất cây xanh, sinh thái hỗ trợ cho đô thị. Hành lang xanh trong Quy hoạch chung Hà Nội là một ví dụ.
Một số chiến lược phát triển, chính sách phát triển tại khu vực ngoại thành cần được xây dựng chính là chiến lược phát triển Hành lang xanh, vành đai xanh. Thiết lập không gian tạo lập môi trường sinh thái lồng ghép trong không gian hoạt động kinh tế như hệ thống Vành đai xanh nông nghiệp - du lịch- sinh thái. Chiến lược và chính sách xây dựng khung hạ tầng tổng thể cho toàn bộ khu vực ngoại thành. Có khả năng định dạng, khu trú và giới hạn lại các dạng phát triển. Không chỉ là hạ tầng xây dựng như giao thông, cấp điện, nước mà còn là hạ tầng cho thúc đẩy hoạt động kinh tế và Hạ tầng xanh trên góc nhìn sinh thái.
Xu hướng phát triển hạ tầng xanh tích hợp giải quyết các mục tiêu của hạ tầng với các vấn đề môi trường, năng lượng cần được xây dựng như một Chiến lược phát triển hạ tầng trọng tâm trong giai đoạn tới.
Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, hạ tầng xanh rất cần thiết vì giúp nhiều cho đô thị về cảnh quan môi trường, giảm tiếng ồn, đa dạng sinh học, giảm tình trạng ngập úng, giảm năng lượng sử dụng và nhiệt độ có thể giảm từ 2-8oC, tăng cường thu hút đầu tư…
Để có thể bàn sâu hơn về vấn đề này, Hội thảo “Đô thị hóa khu vực ven đô thành phố Hà nội và những thách thức trong công tác quy hoạch xây dựng” sẽ được tổ chức ngày 1/12/2017 tại Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia (số 10 Hoa Lư, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Lam Anh: reatimes.vn